Hoa Hồng Bungari
Ôi loài hoa diệu kì!
Hoa ở đâu chẳng biết
Theo người hay gió bay
Từ thế kỷ mười bảy
Hoa về mọc nơi đây
Giữa bốn bề núi dựng
Một thung lũng hoa hồng
Mỗi năm một lần nở
Trời đất bắt đầu xuân
Nhớ thời bọn vua chúa
Chúng cướp hết hoa hồng
Bàn tay gai chảy máu
Người dân chỉ tay không,
Đến thời bọn Hít-le
Chúng không cho hoa mọc
Muốn diệt hương thiên nhiên
Chỉ còn hương hóa học.
Nhưng cả bọn bạo tàn
Cuối cùng rồi tiêu diệt
Và thung lũng hoa hồng
Đẹp hơn bao giờ hết
Ôi loài hoa diệu kì!
Hoa hồng Bungari.
SGK lớp 5
Thung lũng hoa hồng được nói đến trong bài thơ này là thung lũng ở Kazanluk của Bulgari. Trên đất nước này, hoa hồng được trồng ở nhiều nơi, song nổi tiếng nhất là vùng Kazanluk. Theo các tài liệu cổ thì Tiểu Á mới là quê hương thứ thiệt của hoa hồng, và đến thế kỷ thứ 7 mới có mặt ở xứ sở này, song khí hậu, thổ nhưỡng của Bulgari, một đất nước nằm kề bên cả hai bờ biển là Hắc Hải và Địa Trung Hải, vô cùng thích hợp với loài hoa này. Truyền thuyết cho rằng, sở dĩ hoa hồng ở đây tuyệt đẹp là vì từng có một vị nữ thần hạ giới xuống đây và dùng máu của mình tưới lên hoa hồng. Thực ra, ai cũng hiểu, truyền thuyết chỉ nhằm tô điểm thêm cho sự tuyệt vời của hoa hồng xứ sở này mà thôi.
Mùa hoa hồng xứ sở này nở rộ là vào dịp cuối xuân đầu hạ theo thời tiết của Châu Âu, nghĩa là vào dịp tháng 5 và 6 hằng năm. Lẽ dĩ nhiên, tôi đến xứ hoa hồng vào trung tuần tháng 4, chưa phải mùa hoa hồng rộ, lại chỉ loanh quanh ở thủ đô Sofia và thành phố cổ Plovdiv ( cách thủ đô chừng 150 km ) vì thời gian có hạn, nên chưa có cơ hội “ mục sở thị “ thung lũng hoa hồng ở Kazanluk, hay chí ít vùng chuyên canh hoa hồng khác của xứ sở này. Tuy nhiên, bù lại, tôi được gặp gỡ các "bông hồng" xứ sở này còn tuyệt diệu hơn cả hoa hồng, ấy là các cô nàng Bulgari...
Riêng điều này thì tôi có tìm hiểu qua phía bạn và các cán bộ Việt Nam ở Đại sứ quán ta tại Bulgari, và được biết, ấy là, vốn mệnh danh xứ sở hoa hồng, song xứ này chỉ trồng và chiết xuất tinh dầu hoa hồng, chứ việc sản xuất nước hoa tại đây thì còn yếu, mặc dù từ thế kỷ 17 họ đã biết cách chế nước hoa. Bulgari xuất khẩu hương liệu hoa hồng cho các hãng nước hoa nổi tiếng khắp thế giới, nhất là Tây Âu ( Pháp, Italia ...), mỗi năm thu về vài ba tỷ USD. Nói vậy, không có nghĩa là không có nước hoa Bulgari. Có đấy, song chủ yếu là phục vụ nội địa, và bán cho số ít khách du lịch đến đây, kiểu người tò mò muốn tìm hiểu. Bởi vậy, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở Sofia tràn ngập nước hoa, nhưng là các nhãn hiệu nổi tiếng ( Chanel No5, Dior, Piere Cardin, Burberry, Guerlain, Lancôme, Collection ... ), và tuyệt nhiên, không hề thấy bất cứ một thương hiệu nước hoa nào của Bulgari. Loại nước hoa phổ biến nhất của Bulgari mang nhãn hiệu Rose Refan chỉ thấy bán ở bar, quầy hàng lưu niệm tại các điểm du lịch hoặc sân bay quốc tế của Bulgari .
Nói thêm, ngoài hoa hồng, Bulgari còn nổi tiếng là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển ở châu Âu. Những năm gần đây, Bulgari có nhiều biến động về chính trị xã hội nên nông nghiệp bị buông lơi. Ngài đại sứ Việt Nam tại đây cho chúng tôi biết, đến rau xanh, họ cũng không cung cấp đủ dùng, mà phải nhập khẩu từ Hà Lan. Song gần đây, do Bulgari là thành viên của EU, vì thế EU đã phân công lao động, đầu tư tiền của để Bulgari khôi phục lại nền nông nghiệp của mình, đặng tăng nông sản phục vụ chung cho EU.
Còn người Việt ở xứ sở này ra sao? Theo ngài đại sứ VN thì, đã từng có thời kỳ cao điểm, người Việt sinh sống và học tập, lao động ở Bulgari lên con số dăm bảy chục nghìn, song đến thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn 1 nghìn người, và cũng chỉ có vài ba trăm người Việt mang quốc tịch Bulgari. Ít nhưng mà tinh. Các cháu học sinh con em người Việt ở đây học rất giỏi, thậm chí có cháu tham gia đội tuyển toán quốc tế của Bulgari và giành Huy chương Bạc, đem vinh quang về cho xứ sở này. Theo tôi được biết, thời còn phe XHCN, thì cùng với Liên Xô cũ, một số nước Đông Âu khác là Ba Lan, CHDC Đức, Tiệp Khắc ( Sec & Slovakia ), Hungari, Rumani, Bulgari đã tiếp nhận và đào tạo nhiều thế hệ lưu học sinh VN. Đặc biệt, Nhạc viên Sofia là nơi nhiều nhạc sĩ của VN từng học, trong đó có cố nhạc sĩ Hoàng Việt.... Sau này, khi cộng đồng XHCN tan rã, người Việt ta cũng sang Bulgari làm ăn rất đông, và đã có biết bao câu chuyện buồn của người Việt, cùng những hệ lụy về mặt xã hội để lại cho đất nước này...
Song, cái thời ấy cũng đã xa. Ta đổi mới, xứ bạn cũng đổi mới. Hẳn là câu chuyện hợp tác cùng phát triển sẽ là một câu chuyện dài...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét