3 bước đơn giản giúp bạn thay đổi cuộc sống
Bạn không thể quyết định mình sinh ra thế nào nhưng bạn có quyền lựa chọn cách mình sống ra sao, bằng việc khai phá những sở trường đang ẩn giấu bên trong con người mình.
Có 2 cái tôi bạn có thể lựa chọn để sống cùng: một là cái tôi luôn nhìn về những thứ đã qua với nỗi lo lắng về điểm yếu, hối tiếc về sai lầm và rất nhiều buồn bực, cái tôi còn lại luôn nhìn về phía trước, nơi mỗi ngày đều là một hành trình mới khám phá chính mình, để tìm ra những sở trường tiềm tàng trong bản thân.
Chúng ta chắc chẳng cần suy nghĩ, sẽ chọn ngay cái tôi thứ 2. Rõ ràng là nó mới mẻ, hào hứng và nhiều sức sống hơn. Vậy thì tại sao hôm nay bạn vẫn còn phải buồn rầu?
Cuộc sống phía trước còn dài bao nhiêu nữa bạn không biết, như vậy đã đủ để bạn háo hức và tò mò khám phá rồi. Trên con đường ấy, nếu biết gạt bỏ đi những điểm yếu, và chỉ tập trung vào những thế mạnh sở trường của mình, bạn sẽ thấy cuộc sống thực ra rất công bằng khi tạo ra bạn là một chỉnh thể hoàn hảo, hợp lý hơn bất cứ điều gì khác.
Tuy nhiên, điều quan trọng là, thế mạnh sở trường của bạn nằm ở đâu, và liệu bạn có thể gọi tên chính xác nó ra hay không?
Có ít nhất 2 cuộc nghiên cứu về chủ đề này đã được thực hiện trong năm qua, và cả 2 đều chỉ ra rằng không nhiều hơn 1/3 số người được hỏi có thể ghi ra chính xác sở trường của mình là gì. Con số này nói lên một điều, chúng ta chưa sống ổn, đơn giản bởi chúng ta chưa tìm hiểu đúng về bản thân mình.
Rất may rằng đã có giải pháp cho vấn đề này. Chúng ta có thể thực hiện theo 3 bước sau, rồi từ từ cảm nhận sự thay đổi theo cách của riêng mình:
1. Đánh giá 24 sở trường đặc trưng được liệt kê dưới đây:
- Về tình cảm: Thân thiện, Tốt bụng, Hòa đồng.
- Về trí tuệ: Sáng tạo, Có óc phán đoán, Có tính tò mò, Muốn tìm hiểu cái mới, Có khả năng nhìn tổng quan sự việc.
- Về tính cách: Can đảm, Kiên nhẫn, Chính trực, Nhiệt tình.
- Về khả năng pháp lý: Biết chịu trách nhiệm, Thích công bằng, Có tính lãnh đạo.
- Về giải quyết vấn đề: Tha thứ, Khiêm tốn, Thận trọng, Bình tĩnh.
- Về năng lực riêng: Biết đánh giá cao, Có lòng biết ơn, Có cái nhìn lạc quan, Có óc hài hước, Có khả năng truyền cảm hứng.
Sau đó bạn đánh dấu những đặc điểm phù hợp nhất với mình (có thể nhiều hơn 1 đặc điểm trong mỗi loại).
2. Thực hành
Sau khi đã nhìn ra sở trường của mình thì bạn bắt tay thực hành nó, nhiều hơn mỗi ngày. Có một bảng theo dõi để ghi chú bạn đã bị tác động thế nào sau mỗi lần thực hành (nên đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 10, tương ứng 1 là không đáng kể và 10 là tác động đặc biệt).
Cứ làm như vậy một cách đều đặn, rồi bạn sẽ biết sở trường nào thực sự là của bạn và sở trường nào giúp bạn cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc sống.
3. Kế hoạch dài hơi
Sau khi thực hành và đánh giá được khá chính xác về các sở trường, bạn có thể dùng nó để định hướng cho tương lai. Nếu bạn tìm ra sở trường mạnh nhất của mình là “óc sáng tạo” thế nhưng hiện tại bạn lại đang mắc kẹt trong một công việc chỉ đối mặt với những con số không thay đổi mỗi ngày, tức là bạn cần phải nghiêm túc xem xét và tìm lối thoát cho chính mình. Nếu không thể thay đổi công việc, thì ít nhất vì bạn thích sáng tạo nên hãy tìm ra phương pháp xử lý những con số này theo cách tối ưu hơn, biết đâu bạn lại tìm ra một phương pháp hữu hiệu giúp cải thiện công việc cho nhiều người.
Còn nếu như sở trường của bạn là “tìm hiểu cái mới” mà công việc của bạn luôn bị khống chế bởi ý kiến của người khác, vậy thì hãy tìm lối thoát bằng cách học tập từ chính những người đang khống chế công việc của mình. Bất kỳ ai cũng có khả năng mang đến cho bạn một bài học bổ ích, chỉ là bạn có muốn thử hay không mà thôi.
Mỗi con người được sáng tạo ra đều là một chỉnh thể duy nhất, và hoàn hảo theo cách riêng. Bởi vậy, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn không phải là cuộc kiếm tìm thứ gì đó ở bên ngoài, đó là con đường đi vào bên trong mỗi người. Khi hiểu được chính mình, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn nhất mà không ai khác ngoài bạn có thể biết được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét